Phù đầu là bệnh đặc trưng tổn thương hệ thống tiêu hoá, thần kinh trung ương và phù tiết dịch, gây chết cao ở đàn heo con trước và sau cai sữa (80 – 100%). Bệnh này còn gọi là bệnh Phù thũng heo con, Coli dung huyết, co giật heo con, E.D…
Nguyên nhân xảy ra bệnh ED
- Cai sữa heo con sai kỹ thuật (cai sữa đột ngột).
- Thay đổi thức ăn đột ngột.
- Tập ăn cho heo con muộn sau 21 ngày.
- Trong khẩu phần thiếu vitamin, đặc biệt vitamin nhóm B.
- Ngay sau cai sữa cho heo con ăn thức ăn quá giàu đạm và sinh năng lượng cao, cho ăn quá no.
- Thức ăn mốc, lẫn độc tố, nhiễm khuẩn.
- Niêm mạc đường ruột thoái hoá, có thể là hậu quả của bệnh Phân trắng heo con, nên thức ăn không hấp thụ hết, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Điều kiện ngoại cảnh bất lợi (chuồng lạnh, gió lùa, độ ẩm cao), môi trường ô nhiễm (nước tù nhiễm khuẩn…).
Triệu chứng bệnh phù đầu heo con
Bệnh phù đầu hay xảy ra ở đàn heo con trước và sau cai sữa. Con to béo, ăn khoẻ bị trước, biểu hiện phù mặt, mắt, có con mắt lồi ra, dễ đột tử. Heo bệnh biểu hiện thần kinh, co giật, đi xoay vòng theo một chiều nhất định. Có con mất tiếng, cứng hàm, nằm co cứng. Có thể sốt hoặc không. Trước khi chết thân nhiệt giảm xuống. Heo bệnh có thể tiêu chảy, có thể không. Bệnh xảy ra có tính cục bộ, không lây từ đàn này sang đàn khác.
Bệnh tích
Không đặc trưng. Dạ dày chứa đầy thức ăn, thành dạ dày sưng. Có thể phù não, phù mặt, phù quanh hốc mắt, sưng hạch màng treo ruột. Ruột non xuất huyết,…
Chuẩn đoán
Dựa vào kết quả điều tra dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, bệnh tích. Bệnh xảy ra ở đàn heo trước và sau cai sữa, rất ít ở heo lớn và không có ở heo nái, đực giống. Bệnh xảy ra đột ngột, con to béo bị trước. Dùng dao sắc rạch da dọc trán heo chết nếu 2 mép cắt cách xa nhau – chứng tỏ heo bị phù đầu.
Chẩn đoán phân biệt
Bệnh giả dại. Bệnh do Listeria. Dịch tả heo. Hội chứng Stress. Bệnh Tai xanh.
Điều trị
A/ Hộ lý
- Tách riêng con ốm, nhốt ở chỗ tối, hạn chế tiếng ồn.
- Chịn ăn 1 – 2 ngày.
- Cắt cám sau cai sữa, thay vào đó cho ăn cám heo thịt nhưng ít một, tăng cường chất xơ, có tính nhuận tràng. Cho uống nước đầy đủ.
- Đàn còn lại cũng cho ăn cám heo thịt, nhưng non phần và chia làm 3 – 4 lần/ngày. Thực hiện trong vòng 5 – 7 ngày.
- Giảm tối đa lượng muối trong thức ăn, tức cho ăn nhạt. Không cho ăn/uống chất điện giải.
- Sau khi khỏi bệnh, cho đàn heo ăn cám từ ít đến nhiều. Chuyển dần qua cám sau cai sữa trong vòng 4 ngày.
B/ Dùng thuốc
- Cho toàn đàn uống/ăn 3 – 5 ngày kháng sinh COLIVINAVET (100g/1000kg TT/lần, 2 lần/ngày) hoặc AMPICOLI FORT (100g/800 – 1250kg TT/lần, 2 lần/ngày) trong 3 – 5 ngày.
- Kết hợp với cho ăn men tiêu hoá chịu kháng sinh SUPER EMZYM (1g/lít nước uống hoặc 2g/kg TT/ngày), liên tục trong 5 – 7 ngày.
- Tiêm bắp kháng sinh Coli KN (1ml/5kg TT/lần), 1 – 2 lần/ngày. Liên tục trong 3 – 5 ngày.
- Tiêm bắp Mg-Calcium fort, 1ml/5kg TT, 1 – 2 lần/ngày, trong 3 – 5 ngày.
Chú ý:
- Con bị thần kinh tiêm thêm thuốc an thần VINATHAZIN, 2 -5ml/con, 1 lần/ngày.
- Sau khi dừng kháng sinh, tiếp tục cho đàn heo ăn/uống men tiêu hoá SUPER EMZYM liên tục trên 7 ngày, heo bệnh sẽ nhanh chóng phục hồi sức khoẻ, không tái nhiễm bệnh.
- Không được cho heo ăn no ngay. Cho đàn heo ăn từ ít đến nhiều, chia làm 3 – 4 lần/ngày.
Phòng bệnh sưng, phù đầu ở heo
- Tập ăn sớm cho heo con từ 3 ngày tuổi. Có thể tập cho heo con ăn sớm theo công thức 3 : 3. Nghĩa là trong vòng 3 ngày (từ 3 – 6 ngày tuổi) cho heo con ăn ngày 3 lần, với khoảng cách 3 tiếng một. Sau mỗi đợt, đổ cám thừa cho nái đẻ lứa một, nái ốm hoặc heo vỗ béo (trên 15kg TT) ăn. Vệ sinh máng sạch sẽ, lau khô rồi đổ cám mới cho heo ăn.
- Cai sữa từ từ trong vòng 4 ngày theo công thức 3 : 5 : 7.
- Trong giai đoạn cai sữa cho toàn đàn ăn/uống 3 – 5 ngày một trong các loại kháng sinh và men tiêu hoá dùng đường uống kể trên.
- Lùi thời gian cai sữa đối với đàn heo yếu hoặc thời tiết lạnh quá.